Góc Chém Gió

Bỗng dưng thành cái “Giếng cạn”

3
2
TRUYỆN ĐƯỢC ĐỀ CẬP
TÁC GIẢ ĐƯỢC ĐỀ CẬP
Bút Lông Trung Kỳ

*Kinh nghiệm và quan điểm cá nhân. *

Đây là tình trạng Cửu đã gặp phải một hai lần từ ngày quyết định cầm bút lên rồi. “Giếng cạn” là cụm từ mình mượn từ một nhạc sĩ để miêu tả cảm giác cạn ý tưởng như bây giờ.

Mọi người hay nghĩ, nghề viết lách là một nghề nhàn hạ, chỉ cần gõ chữ để kiếm tiền là được (dĩ nhiên Cửu còn chưa gõ ra tiền) , nói tóm lại thì ngành nghề này khá là easy theo nhiều người thấy.

Nhưng thực tế, khi bơi lặn trong lĩnh vực này rồi Cửu mới thấy đây là một ngành nghề rủi ro “gãy” nghiệp cao. Vì hầu như mọi thứ tác giả viết ra điều được dẫn dắt bởi một thứ gọi là “Cảm hứng và ý tưởng” . Mà cái thứ này y như cảm xúc, rất khó nắm bắt và đoán định, bảo đến là đến mà đi là đi.

Để Cửu nói cho nghe, cái thứ này nó bất thường hơn cả tâm tình các chị em mỗi mùa dâu, lật mặt nhanh hơn cả người yêu cũ và phũ phàng hơn crush của bạn nhiều. Một ngày nào đó cũng được coi là đẹp trời thì nó kéo nhau đến, đuổi cũng không đi, hành hạ Cửu mất ăn mất ngủ để liệt kê, chọn lọc. Đến lúc nó éo thích nữa, chán rồi thì quay mông đi mất không một lời nhắc.

Mẹ ! Phũ!.

Chính vì thế, các bạn ạ, nếu các bạn muốn hành nghề hoặc duy trì niềm sở thích này lâu dài thì bạn phải

  1. Là người có cảm xúc ổn định, không cả thèm chóng chán. Nếu không, bạn không thể hoàn thành nổi tác phẩm nào đâu.
  2. Dùng những biện pháp phù hợp để có thể khiến những dòng cảm xúc này lên xuống ổn định hơn.
  3. Bạn cũng có thể chọn viết các mẩu chuyện ngắn, không quá dài để không bị bí hoặc cạn ý tưởng.
  4. Là các thánh ý tưởng trong truyền thuyết, trong não không có gì ngoài chất xám và ý tưởng.

Ngoài lề chút

Có một số bạn sẽ thắc mắc là:

Sao không lên ý tưởng và bộ khung cho tác phẩm ngay từ đầu sau đó chỉ cần viết theo là được?

Ok. Đó là một câu hỏi hay. Và Cửu sẽ giải thích luôn cho bạn nhé ( bằng những trải nghiệm của mình)

Cửu cũng là một ngươi làm việc có kế hoạch, có hệ thống nên Cửu cực kỳ thích những cái gì được lên kế hoạch rõ ràng. Trong những tác phẩm tập tành đầu tiên Cửu cũng đã làm như thế nhưng nó không thể thay thế cho ý tưởng và nguồn cảm hứng trong mình được.

Vì sao ư?

Vì cách đó chỉ đưa cho bạn một lộ trình thôi và cái lộ trình đó đi như thế nào thì lại là câu truyện khác.

Đối với những truyện tập trung vào logic, âm mưu, phá án, việc lên kịch bản sẽ vô cùng cần thiết để giúp chuyện mạch lạc, không bị rời rạc. Nhưng một câu truyện không chỉ có mỗi bố cục, tình tiết mà còn có diễn biến tâm lý nhân vật và sự chuyển động của bối cảnh xung quanh. Nhân vật và bối cảnh thì Cửu đã nói ở những blog trước rồi, chúng có sự sống và câu truyện riêng của mình. Đôi khi kịch bản không đủ chi tiết để mô tả đến những thứ đó. Và lúc đó, cái linh cảm trong người mỗi tác giả mới là yếu tố cốt lõi khiến cho câu truyện thêm tinh tế và thăng hoa. Tác giả sẽ chợt bật ra những hình ảnh so sánh mới, những góc nhìn mới hay những cảm nhận mới không đi theo lối mòn như văn mẫu.

Vậy làm thế nào để duy trì được cảm hứng và ý tưởng?

Theo Cửu, trước hết các bạn nên giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, dọn sạch những suy nghĩ linh tinh, rộng cửa đón ngài Cảm hứng của chúng ta đến nhà.

Tiếp đó thì luôn luôn nhiệt tình tiếp đón, ngài thích gì thì chiều cái đó miễn trong khả năng chịu đựng được. Ví dụ như nghe nhạc, coi phim,… Như Cửu thì Cửu sẽ xách vali về quê hít một hơi cho ôxi tràn lồng ngực rồi lại lóc cóc chạy lên đây để múa bút.

Rồi lợi dụng lúc có cảm hứng mà cắm mặt gõ chữ, càng nhiều càng tốt, không cần biết là đang viết gì, có liên quan hay không, cứ thế viết. Ít nhất sau đó các bạn có cái để biên tập, con hơn là không có gì.

Nói thế cho vui thôi. Trong bài viết trước Cửu cũng có nhắc đến vụ hạt giống của ý tưởng rồi mà. Chính nó, để có cái ý tưởng mới nảy mầm thì chính chúng ta cần luôn tìm tòi và học hỏi cái mới. Liên tục gieo hạt giống và cải tạo nâng cao nền tảng kiến thức của bản thân thì tự nhiên ý tưởng theo đó mà xuất hiện.

Cũng đừng quá căng thẳng nếu một khoảng thời gian nào đó bạn cảm thấy bản thân không đẻ ra nổi một chữ thì hãy nghĩ theo hướng tích cực đó chính là cơ hội. Đó chính là động lực để chúng ta tìm kiếm cái mới, khai phá bản thân.

Còn một cách nữa thường là cho những tác hành nghề lâu năm. Vì kinh nghiệm dày dặn, câu chữ văn phong đã tích lũy được cả kho thì đến lúc “cạn” thì có thể lấy kinh nghiệm phong phú của mình ra để chống đỡ. Dĩ nhiên nó sẽ thiếu chút sáng tạo nhưng vẫn cho ra một tác phẩm bài bản không lẫn vào đâu được. Việc học tập nghiêm tục được thể hiện chính là lúc này.

Cứ thế vài lần là quen thôi ha.

Một bài viết khá nhạt nhòa các bạn ạ. Cũng phải thôi vì Cửu dạo này cũng “cạn” lắm ạ. Con chữ nó chạy đi đâu hết rồi, tìm không ra mống nào Nguồn: Cửu hoàn Cửu mỹ