Góc Chém Gió

Câu chuyện về viết lách và lòng tự hào dân tộc.

6
2

Bài viết sẽ rất dài và vô cùng nghiêm túc, nếu bạn xác định mục đích viết lách chỉ để thoả mãn sở thích của bản thân kèm kiếm tiền nếu có thể thì những gì mình sắp đề cập không hề có ý đả kích hay xúc phạm con đường mà bạn đã chọn. Vì một lẽ thường tình, mình hay nói đúng ra thì chả ai trên cõi đời này có tư cách đó hết. Nhưng chí ít mình mong các bạn hãy lưu tâm một chút vì sự phát triển của nền văn học nước nhà (mượn tí bom của Bkav).

Là một tác giả (nghiệp dư ^^) hẳn bạn cũng như mình, thường xuyên nhìn thấy những cuộc tranh cãi không có hồi kết liên quan tới những vấn đề sau: “Thuần Việt” và “Hán Việt”; Văn phong lai căng Âu Á lẫn lộn; Văn viết như văn dịch; Văn sặc mùi Trung Quốc; Văn sặc mùi wibu… vân vân và mây mây. Theo ý kiến cá nhân của mình thì tất cả những thứ ấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, là phần ngọn của cây cỏ dại mà thôi. Để giải quyết tận gốc được vấn đề, ta cần phải hiểu nó một cách sâu sắc trước đã và sau đây là góc nhìn của bản thân mình. Do phạm vi bài viết có hạn nên mình chỉ

*1.Tại sao văn của nhiều tác giả lại lai căng? Tại sao nhiều tác giả bị lậm Hán Việt? Tại sao văn của họ đọc như văn dịch vậy? *

Lý giải của mình thực chất hết sức đơn giản, cũng như khi đứa trẻ vừa mới sinh ra, nó gặp cha và mẹ nó đầu tiên nên đương nhiên sẽ học được ngôn ngữ của hai người này trước. Giai đoạn đầu của việc viết lách cũng thế, người viết nghiệp dư đa phần đều không được đào tạo bài bản nên gần như không có bất kỳ định hướng cụ thể nào (quên những tiết ngữ văn trên trường đi vì chúng buồn ngủ vãi đạn). Thứ mà họ viết ra trong giai đoạn này đa phần đều là “nhại” theo một cách vụng về những tác phẩm mà họ yêu thích. Và những tác phẩm mà họ yêu thích trong giai đoạn này thì… Đa phần đều là các tác phẩm nước ngoài được dịch sang tiếng Việt vì một lẽ thường tình, chúng hay và phần nào đó là dễ tiếp cận hơn văn Việt khi bản dịch của chúng được đăng đầy và miễn phí trên mạng kết hợp với thói quen sính ngoại của người Việt ta (sẽ nói ở một bài viết khác). Bắt chước theo văn dịch thì đương nhiên phải viết như văn dịch rồi. Còn về vấn đề lậm Hán Việt, hay văn vẻ lai Trung, lai Âu Mỹ hay như truyện do wibu viết thì lập luận từ đây cũng đơn giản thôi mà: Đọc nhiều văn “Tàu” quá thì lậm Hán Việt, đọc nhiều văn Tây quá thì lậm Âu Mỹ, đọc nhiều light novel quá thì như truyện Nhật,… Đương nhiên cái gì cũng có ngoại lệ của nó, nhưng theo ý kiến cá nhân của mình thì đến 96,69% tác giả nghiệp dư hiện nay đều có xuất phát điểm như thế.

2. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Có nên để thực trạng này tiếp diễn và xem nó như một lẽ hiển nhiên như nhiều người đã và đang làm hay không?

Đây là một vấn đề phức tạp nên mình sẽ chia nhỏ nó ra làm ba phần theo mức độ cấp thiết từ lớn nhất đến nhỏ. Vấn đề 1: Về lậm lối hành văn Trung Quốc và lạm dụng Hán Việt, có nên để nó tiếp diễn hay không?
Chẳng biết bạn thế nào chứ tuy bản thân là một người có góc nhìn khách quan nhưng câu trả lời của mình thì luôn chỉ có một mà thôi.

*KHÔNG!!! Và KHÔNG BAO GIỜ!!! *

Như đã nói ở ngay đầu bài viết, mình không có ý đả kích bất kỳ ai, càng không có ý bảo rằng con đường bạn đã chọn là xấu xa hay sai trái. Và nếu phải lựa ra từ ngữ thích hợp nhất dành cho trường hợp này thì đó sẽ là chúng ta “không nên” làm như thế còn nguyên nhân thì mình sẽ nói rõ ngay sau đây.

Thay vì lảm nhảm mấy triết lý “trên trời” và tri thức “trên núi” về cái được gọi là bản sắc dân tộc như mấy ông giáo sư tiến sĩ đầu hai thứ tóc thì mình sẽ nêu một ví dụ đơn giản như sau.

Trong một truyện mình từng viết có một cảnh thế này: Nam chính là người Việt phải giao đấu với một môn đồ Vịnh Xuân Quyền người Trung Quốc, trước khi cuộc chiến bắt đầu thì vị võ sư ấy đã làm hành động chắp tay để thể hiện tinh thần thượng võ (ai xem phim kiếm hiệp nhiều thì chắc chắn biết cái này). Nam chính và cả người viết đều thấy bối rối vì người Việt Nam chúng ta không có hành động nào để đáp lễ cả… Lại tiếp đến một cảnh khi cậu phải đối mặt với một samurai Nhật Bản, trước khi giao chiến thì vị võ sĩ đạo ấy cúi mình chào cậu theo đúng văn hoá của xứ Phù Tang. Nam chính lại bối rối vì người Việt ta gần như không có hành động nào tương tự để đáp lễ hết. Cậu chỉ đành phủi tay cho qua và chém gió rằng: “Xin lỗi nhưng người Việt chúng tôi không thích màu mè như thế!” như một cách biện minh vụng về cho sự kém hiểu biết của tác giả cùng sự thất bại của ngành giáo dục khi bắt học sinh đến trường suốt 12 năm mà chẳng dạy được cho các em tí gì về cái đặc sắc riêng chỉ có ở người Việt (chém hơi kinh nhưng đấy là sự thật). Lúc ấy trong đầu mình tự dưng nảy sinh một câu hỏi, rằng nếu người Âu – Mỹ có văn hoá bắt tay, người Trung Quốc có văn hoá chắp tay, người Nhật có văn hoá cúi đầu, thậm chí cả người Thái cũng có văn hoá chắp tay (theo kiểu nhà phật),… Những điều khiến họ tự hào đi “khoe” khắp thế giới thì Việt Nam chúng ta có gì?

Bạn có nhận thấy điểm thú vị ở đây là gì không? Các nước kể trên đều là cường quốc kinh tế vượt xa chúng ta đấy. Vậy mà các ông các bà cứ hỏi tại sao chúng ta không phát triển bằng họ? Tại sao nhiều nhân tài nước nhà lại cứ tìm đường ra đi dẫn đến chảy máu chất xám? Tại sao có nhiều người sẵn sàng vượt biên ra nước ngoài chỉ để làm lao động chui?... Đáp án theo mình đơn giản lắm, vì trong trái tim họ bốn tiếng “tự hào dân tộc” là cái gì đó phù phiếm và vô nghĩa. Ta không thể trách được họ vì lỗi lớn nhất thuộc về cách làm văn hoá “chưa tốt” của Việt Nam. Người ta không thể tự hào khi họ thậm chí còn chả biết mình có gì để mà tự hào.

Có lẽ bạn đã nhận ra cái mà mình muốn nói ở đây là gì rồi nhỉ, nhưng tin mình đi chúng khủng khiếp hơn những gì bạn nghĩ rất nhiều. Ta hãy đi một vòng để xem các cường quốc Á Đông làm văn hoá như thế nào nhé.

Trong các tác phẩm từ điện ảnh cho tới văn học, thậm chí là hoạt hoạ. Trung Quốc và Nhật Bản, thậm chí là cả Hàn Quốc, các tác giả đều rất giỏi trong việc lồng ghép văn hoá của nước mình vào một cách đầy tinh tế, điều này có rất nhiều mục đích: Vừa giúp khán giả biết thêm về văn hoá của nước nhà để chúng không bị mai một theo thời gian, vừa giới thiệu vẻ đẹp của nước mình ra trường quốc tế,… Nếu bạn không tin thì mình sẽ cho bạn thấy rằng những tác phẩm tưởng chừng như chỉ là “giải trí vô bổ” kia đã nhồi nhét vào đầu bạn bao nhiêu thứ nhé: Đầu tiên thì xem bạn “Tàu” dễ thương nhá:

  • Hoàng a mã, cách cách, bổn cung, hoàng hậu, thái hậu, thái phi, phi tầng, cung nữ, thái giám, thị vệ, quý phi, đại Thanh, đại Minh, hoàng thượng, hoàng đế, ngạt nương, bối lạc, quận chúa, tri huyện, tri phủ, tri châu… (cung đấu là dòng sách “dạy sử” Tàu tốt nhất mọi thời đại); Ghê hơn chút nhé: Trung nguyên, thiên hạ, Núi Võ Đang, Đường Môn, Nga Mi, Thiếu Lâm Tự,… (có lẽ bạn không biết chứ hàng năm Trung Quốc thu về hàng tỉ đô la từ khách du lịch vì có rất nhiều hết chi tiết trong truyện võ hiệp của Kim Dung lấy cảm hứng từ chính nền võ học cổ truyền Trung Hoa); Thiết diện vô tư, Công chính liêm minh, Chỉ công không tư, Chỉ lý không tình, đại Tống… (Bao Thanh Thiên); Nguỵ - Thục - Ngô, Tào Tháo, Lưu Bị, Khổng Minh, Nhân Trung Lã Bố/ Mã Trung Xích Thố, … (Tam Quốc Diễn Nghĩa); Đại Đường, Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới, chân kinh, Như Lai, Bồ Tát,… (Thậm chí là cả tôn giáo trong Tây Du Ký)… bạn thấy đó, chúng ta biết nhiều về Trung Quốc hơn mức chúng ta tưởngrất nhiều. Đấy là mình còn chưa kể đến mấy bộ ngôn tình hiện đại ngược, sủng, tiên hiệp, tống thêm vào đầu bạn trẻ một mớ văn hoá về Trung Nguyên, Trung Thổ hay về Đại Lục nữa đấy. Để kết cho ý này thì bác mình là thầy giáo dạy sử, ông từng phán một câu xanh rờn khiến mình suy nghĩ rất nhiều rằng: Tụi nhỏ ngày nay thuộc sử Tàu còn hơn sử Việt, hiểu Trung Quốc còn hơn Việt Nam.

  • Là một người thích chém gió về chính trị thì mình xin đưa ra một cảnh báo vô cùng nghiêm túc như sau: Xâm chiếm bằng súng đạn là xưa rồi. Hay như Tôn Tử binh pháp đã nói, rằng đỉnh cao của nghệ thuật quân sự chính là không đánh mà vẫn thắng. Ngày nay người ta khuất phục một đất nước bằng hai con đường ôn hoà đó là kinh tếvăn hoá. Mà bạn biết gì không? Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào TQ, doanh nghiệp TQ đang bóp chết doanh nghiệp VN từng ngày, hàng hoá TQ giết chết hàng hoá nội địa nhiều không đếm xuể, thương lái TQ ba lần bảy lượt khiến nông dân ta phải điêu đứng vì cái thói “thu mua thất thường nhưng thực ra là có tính toán”… Ấy thế nhưng chúng ta ta vẫn phải cắn răng mà chơi với TQ, vì nếu nước bạn rút hết đầu tư vào dãi đất hình chữ S thì ta sẽ lập tức điêu đứng. Phẫn nộ hơn nữa, chúng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của ta nhưng ta lại không làm gì được cũng vì lẽ đó. Nay đến cả mặt trận văn hoá nơi mà hai chữ Thuần Việt cũng là cái gì đó cần phải xem xét mức độ ưu tiên với Hán Việt vốn chỉ là cách phát âm tiếng Hán của người Việt thì thử hỏi… Chúng ta thắng như thế nào được đây? Bởi vậy mình cắn răn cắn cỏ quỳ lạy các tác giả nghiệp dư, rằng trước khi thay thế một từ Thuần Việt bằng Hán Việt chỉ để cho câu văn được bóng bẩy và thu hút hơn thì mong bạn hãy suy ngẫm một chút về cha ông ta, những người đã giữ gìn tiếng nói của dân tộc để chúng ta còn từ Thuần Việt để mà dùng. Đừng để tiếng Việt trở thành một phương ngữ của TQ vì khi một dân tộc đánh mất bản sắc của mình - cái riêng tách biệt họ khỏi các dân tộc khác thì ngày mất nước đã không còn xa nữa.

  • Mình không nói văn Trung dở, mà ngược lại nó hay vãi cả linh hồn (bạn biết gì không chêm phần “linh hồn” vào câu nói cũng xuất phát từ TQ đấy, thấy sợ chưa nào?). Hán Việt rất hay, hay đến mức khiến mình phát run mỗi khi sử dụng vì nó nhắc nhớ cho mình về sự chênh lệnh tiềm lực giữa ta và Tàu lớn đến mức nào. Học hỏi thì học hỏi, nhưng nội trong năm câu thì có ba câu chứa Hán Việt trong khi tiếng Việt của cha ông hoàn toàn có từ tương tự mà không chịu dùng thì đấy là lậm chứ không còn là học hỏi nữa. Phổ biến Hán ngữ vào nước nhà chả vì cái gì cả là hành động hết sức ngu xuẩn. Đương nhiên bạn sẽ kiếm được nhiều độc giả vì đơn giản người thích văn Trung ở VN nhiều vô số kể, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền vì văn Tàu hay hơn văn Việt mà đúng không? Vậy sao không dạy chữ Tàu cho người Việt luôn nhỉ dù sao chữ viết hiện tại của chúng ta cũng do người Pháp nghĩ ra mà? Rồi sau đó phổ cập tiếng Tàu cho toàn dân luôn chứ nhỉ? Dù sao văn hoá hai nước cũng na ná nhau mà. Rồi sao không hợp nhất làm một nhỉ vì chúng ta từng dính với TQ hơn ngàn năm mà? Đây là chiến thuật xâm chiếm trong hoà bình, từ từ như tằm ăn dâu, có thể mất vài thế hệ để thành công, vô cùng từ tốn và lặng lẽ. Cái khiến người ta lạnh gáy ở chiến thuật này đây chính là việc bản thân mỗi người đều không hề nhận ra sự thay đổi vì nó rất rất nhỏ. Nhưng bạn cũng biết đấy tích tiểu thì thành đại mà. (Trò chơi nho nhỏ đây, hãy tìm trong đoạn văn trên xem mình đã sử dụng bao nhiêu từ Hán Việt hay có gốc Hán rồi ngẫm lại về sự xâm thực văn hoá Trung Hoa vào nước nhà hiện tại. Dù đã cố gắng hạn chế nhưng chúng vẫn nhiều khủng khiếp, vậy mà có người vẫn còn cho bấy nhiêu là chưa đủ và muốn tiếp tục thay thế Thuần Việt bằng Hán Việt cơ đấy).

  • Tới đây thì mình cũng xin nói luôn, nhiều tác giả lậm Hán Việt và văn Trung cứ tự hỏi tại sao nhiều độc giả lại phản ứng thái quá trước lượng Hán Việt mà bạn sử dụng cùng những hành động, những cái tên “như người Trung Quốc” thì xin thưa rằng chính nhờ có sự cảnh giác cao độ ấy mà dân tộc ta mới không bị đồng hoá với Hán tộc dù dính với TQ hơn nghìn năm. Chính nhờ việc giữ vững được những câu từ Thuần Việt ấy mà chúng ta mới là người Việt không phải người Hán, ấy thế mà nhiều người lại gián tiếp chê bai chúng theo kiểu “ngôn từ dân dã quá không phù hợp với văn của tôi”, “cái này không viết theo kiểu Thuần Việt được”,… Đừng biện minh biện hộ là tiếng Việt hiện tại có rất nhiều từ gốc Hán vì vốn đã biết ngôn ngữ dân tộc đã không được toàn vẹn rồi (hay nói trắng ra là đã lậm Hán lắm rồi) mà còn muốn nó lậm thêm nữa thì thử hỏi hành động ấy đúng hay sai?

Nếu bạn đang nghĩ mình là người theo chủ trương bài Tàu cực đoan thì bạn đã nhầm to rồi. Mình là người cực kỳ ngưỡng mộ văn hoá Trung Hoa, thậm chí mình có thể ngồi lại và huyên thuyên vể sử Tàu suốt cả ngày mà không hề thấy chán: Phong Thần Diễn Nghĩa, Tần Quốc Biến Pháp, Việt Vương Câu Tiễn, Nhất Thống Trung Nguyên, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tuỳ Đường Diễn Nghĩa,… đến tận nội chiến Quốc - Cộng. Mình hay nói vui rằng thứ về mình biết về TQ không chỉ có mấy câu văn chém gió mà là lịch sử, địa lý, là kinh tế, là văn hoá… Và điều quan trọng nhất là mình hiểu được rằng đất nước tỉ dân này chưa bao giờ thôi tìm cách thôn tín các quốc gia lân cận. Lái sang Nhật Bản, bạn có biết rằng manga của họ học tập từ truyện tranh comic của Mỹ không? Và tuy đều là truyện tranh thôi nhưng phong cách của hai bên nhắm mắt cũng phân biệt được. Anime của Nhật vốn là học tập từ hoạt hình cartoon của Mỹ nhưng có ai nhầm lẫn phong cách của anime và cartoon không? Manhwa của Hàn Quốc vốn dĩ là học tập từ Manga của nhật nhưng hai thứ này vẫn tách biệt một cách kỳ lạ? Thậm chí khi Trung Quốc đi đạo nhái anime của nhật thì họ cũng chỉnh sửa lại sao cho phù hợp với văn hoá của nước mình, và giờ thì họ có hẳn một dòng hoạt hình đồ hoạ mà giới trẻ VN chết mê chết mệt.

Chưa dừng lại ở đó, bạn nghĩ những thứ văn hoá phẩm giải trí ấy chỉ đơn thuần là để giải trí thôi ư. Xin thưa rằng ở Nhật có một luật bất thành văn dành cho mọi tác giả từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, đó là thể hiện lòng tự tôn dân tộc trong tác phẩm của mình: Hoa anh đào, suối nước nóng, kimono cùng đồng phục nữ sinh váy ngắn… Bạn có thể tìm hộ mình một bộ manga, anime hay light novel nào không có một trong bốn thứ trên không? Bạn nghĩ người ta thêm chúng vào chỉ để cho có thôi sao? KHÔNG HỀ!!! Chưa kể đến vô số tinh hoa văn hoá nước Nhật đều được rắc vào đầu của người Việt ta: Có ai ở không biết ninja là gì không? Có ai ở đây không biết samurai là gì không? Có ai ở đây ở đây không biết tinh thần võ sĩ đạo là gì không? Có ai ở đây không biết karate là gì không? Có ai ở đây không biết shushi là gì không? Có ai ở đây không biết kiếm Nhật (katana) sắc bén nhường nào không? Có ai không biết Nhật Bản là đất nước mặt trời mọc không?...

Đấy chính là cách cường quốc làm văn hoá: Học tập nhưng phải khác biệt và chỉ có khác biệt mới làm nên bản sắc. Điều khiến mình chạnh lòng nhất mỗi khi đọc một truyện của các tác giả nghiệp dư đó là gần như không thể tìm ra một tí chất Việt nào trong đó. Đa phần đều chỉ những bản xào đi nấu lại của những tác phẩm nước ngoài mà xin dùng một từ Hán Việt (đấy thấy chưa mình thích Hán Việt mà) đó là ngoại bang. Khái niệm lấy của ngoại bang, tình tiết lấy từ ngoại bang, nhân vật lấy tên của ngoại bang, tính cách của ngoại bang, địa danh của ngoại bang, phong cách của ngoại bang văn phonng cũng ngoại bang,… Thậm chí đến một lời “nhắc nhở vô hình” rằng đây là truyện do người Việt viết cũng không có luôn!!! Thế mà vẫn có nhiều người thắc mắc tại sao văn học nước nhà không phát triển cơ đấy. Phát triển thế quái nào được khi những giá trị văn hoá Việt không hề được tôn vinh hay thậm chí là đề cập đến dù chỉ ở mức hình thức?

Mình biết là các cường quốc trên thế giới họ làm văn hoá quá tốt nên dễ khiến chúng ta có lầm tưởng rằng Việt Nam không có gì hay để viết. Nhưng xin thưa bạn thật sự nghĩ rằng những tác phẩm hay ho của Tàu, Tây, Nhật, Hàn mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, hấp dẫn và quyến rũ kia là tự dưng mà có sao? Lại một lần nữa mình xin nhấn mạnh lại lần nữa. KHÔNG HỀ!!! Đấy là thành quả của cả một quá trình làm việc nghiêm túc, nghiên cứu và đào sâu tìm hiểu trong nhiều năm trời, rồi chắt lọc nó và đưa vào tác phẩm của mình. Đương nhiên không phải theo kiểu câu khách nửa vời và phản cảm như Sử Hộ Vương rồi.

Văn hoá Việt Nam có gì hay ư, để mình cho bạn vài ví dụ nhé: Từ điển oxford của Mỹ đã nhập ba từ của Việt Nam vào tiếng Anh đó là áo dài, bánh mì và phở. Bạn hiểu điều đó có nghĩa gì không? Nếu nói hoa anh đào, kimono và suối nước nóng tác phẩm Nhật nào cũng có (ít nhất một trong ba) thì bạn tìm giúp mình xem những đặc sắc rất riêng của người Việt này, bao nhiêu tác giả chịu khó thêm vào tác phẩm của họ? Dù chỉ thêm cho có thôi cũng được; Chúng ta có Vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thề giới, có động Phong Nha Kẻ Bàng, có hang Sơn Đòng hang động lớn nhất thế giới, có rừng núi Tây Bắc bạt ngàn sương gió, có dãy Trường Sơn đã đi vào huyền thoại… Ấy thế mà khi cần tìm một nơi để tu tiên luyện phép các cao nhân cứ phải bắt máy bay qua Tàu mới chịu cơ; Chúng ta là dân tộc duy nhất trên thế giới ba lần đại thắng quân Mông – Nguyên điều mà đến Châu Âu, TQ và Nhật đều không làm được, chúng ta có người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng đưa tầm vóc nước Nam lên ngang hàng với Đại Thanh vậy mà cứ hễ xây dựng hình tượng chiến tướng thì phải lấy của Tàu mới chịu cơ; Chúng ta có lực quân đội nhân dân đánh cho Pháp rút, Mỹ cút, Nguỵ nhào; Một Người Cha Già Dân tộc suốt cả cuộc đời vì nước vì dân; Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội ba mươi sáu phố phường; Sài Gòn - Thành phố mang tên Người; Môn võ Vovinam (Việt Võ Đạo) đã được chứng minh về độ thực chiến không hề thua kém bất kỳ môn võ nào trên thế giới; Truyền thuyết đặc sắc về khái niệm Con Rồng Cháu Tiên… Bạn thấy đấy, Việt Nam chúng ta chưa bao giờ thiếu cái hay, cái đẹp để khai thác hết. Chỉ có những tác giả lười biếng thích bắt chước, ngại sáng tạo và phần nào đó là coi nhẹ văn hoá nước nhà thôi.

Nhắc nhẹ đến Hàn Quốc thì bạn đã xem bộ phim “Vương Triều Xác Sống” chưa? Đấy! Đề tài zombie kết hợp cổ trang vừa có tính giải trí cao vừa quảng bá văn hoá Hàn Quốc. Mình đã đừng nghe một giáo sư tiến sĩ nào đó nhận định như sau: “Văn hoáng Hàn Quốc không đặc sắc bằng Việt Nam nhưng cái cách họ quảng bá văn hoá của mình ra thế giới đã bù đắp lại tất cả.” và ông ấy nói không sai một chút nào.

Nói nhiều quá cũng thành nhàm, nên mình sẽ kết thúc phần một của bài viết sau khi hoàn thiện ý cuối cùng này. Có ba tiêu chí để quyết định một đất nước có phải là cường quốc (lại Hán Việt nữa nè ^^) hay không đó là: kinh tế, quân sự và văn hoá. Nếu xem doanh nhân như những chiến binh trên mặt trận kinh tế, quân nhân là chiến binh trên mặt trận quân sự thì chúng ta - Những người tự gọi mình là tác giả (nghiệp dư) là chiến binh trên mặt trận văn hoá. Và việc có đứng lên chiến đấu cho màu cờ sắc áo hay không là quyền của bạn thôi. Vì nói một cách thẳng thắn thì dẫu ngày mai Việt Nam có biến mất thì Mặt Trời vẫn cứ mọc mà thôi.