Góc Chém Gió

Mọi người đều viết, vậy... Tiểu thuyết nghĩa là gì?

5
7

(Quan điểm khi viết bài này là trung lập) Ai cũng lao vào viết tiểu thuyết mà quên đi mất một khái niệm quan trọng của nó: “Tiểu thuyết là gì?” Tiểu thuyết được định nghĩa là một tác phẩm văn học hư cấu hoặc bán hư cấu. Nhưng dù nó mang tính chất hư cấu đến đâu, bản chất của tiểu thuyết vẫn là sử dụng các nhân vật hư cấu để phản ánh những góc độ nhất định trong cuộc sống. Nếu tiểu thuyết của bạn nó không phản ánh được bất cứ một bộ mặt nào đó trong xã hội loài người, thì theo góc nhìn của tôi thôi, thì nó vẫn chỉ đang là “Truyện.” Vậy thì làm sao để biết một tiểu thuyết xuất sắc? Dễ thôi, một tiểu thuyết xuất sắc là khi bạn đọc và cảm nhận được thế giới bên trong tiểu thuyết đó vô cùng “chân thật”. Điểm hay của tiểu thuyết là ở đây, bạn không nhất thiết phải trải nghiệm một cái gì đó thì mới được phép kể lại, mà bạn chỉ cần khiến người đọc tin vào lời kể của bạn thôi. Lấy ví dụ: “Bạn chưa bao giờ đi tàu lượn siêu tốc nhưng bạn có thể miêu tả tốt đến nỗi người khác phải gật đầu công nhận cách miêu tả đó là chân thực thì bạn đã thành công.” Đấy chính là yếu tố “Chân thật” tôi đề cập đến. Có thể làm được điều đó, là lúc các tác phẩm viễn tưởng ở thế giới khác không còn là trở ngại với bạn nữa. Dù ở thời đại nào cũng vậy, có vô vàn người cầm bút để viết tiểu thuyết. Nhưng mà tác phẩm từ “hay” trở lên chứ chưa nói đến “xuất sắc” hoặc “tuyệt phẩm” vẫn luôn là không có nhiều. Cũng chẳng biết được, nếu như mà có gặp các tác giả nổi tiếng ở thời đại trước, câu mỉa mai: “Đặt tiểu thuyết ra trước mặt để đọc bây giờ thì chỉ có mà cười ra nước mắt!” Không chừng cũng được họ vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt ấy chứ? Nói đi cũng phải nói lại, không phải tiểu thuyết tệ là nên bị khai trừ, vì nếu không có tiểu thuyết tệ, thì làm gì có tiểu thuyết hay khi tất cả tiểu thuyết đều hay?